Bảo hộ tên thương mại là một trong những thủ tục bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ được pháp luật công nhận và hướng dẫn. Rất nhiều chủ thể thường xuyên nhầm lẫn giữa tên thương mại và tên doanh nghiệp, từ đó dẫn đến việc thực hiện thủ tục pháp lý bảo hộ chưa chính xác. Để hiểu rõ hơn về tên thương mại và phương thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng này, cùng chúng tôi tham khảo ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Phân biệt tên thương mại và tên doanh nghiệp
Tên thương mại là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Theo quy định nghĩa tại khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: “Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.”. Tên thương mại được cấu thành từ thành phần mô tả và thành phần phân biệt (tên riêng). Đồng thời, theo hướng dẫn tại điểm b khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: “Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó”. Chủ thể kinh doanh có thể có nhiều tên thương mại khác nhau và được bảo hộ trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh
Tên doanh nghiệp là đối tượng phân biệt chính xác doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác trong hoạt động kinh doanh. Tên doanh nghiệp cần được đặt theo quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020, gồm hai thành tố theo thứ tự: Loại hình doanh nghiệp; tên riêng. Tên doanh nghiệp được xác lập thông qua thủ tục đăng ký kinh doanh, mỗi doanh nghiệp chỉ có một tên doanh nghiệp duy nhất được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Tên thương mại là đối tượng sở hữu công nghiệp
Để được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tên thương mại của bạn phải có khả năng phân biệt với các chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Cụ thể những điều kiện này được hướng dẫn tại Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành như sau:
- Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.
Thủ tục đăng ký bảo hộ tên thương mại
Dù tên thương mại phát sinh bảo hộ chưa dựa trên thủ tục đăng ký, tuy nhiên bạn vẫn có thể đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm, thiết kế, logo, nhãn hiệu có mang tên thương mại để xây dựng khung pháp lý toàn diện nhất cho loại tài sản này. Về cơ bản, thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ. Hồ sơ chính bao gồm các tài liệu quy định ở khoản 1 Điều 100 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm các tài liệu sau đây:
a) Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
b) Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định tại các điều từ Điều 102 đến Điều 106 của Luật này;
c) Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
d) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
đ) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
e) Chứng từ nộp phí, lệ phí.”
Tùy thuộc vào từng loại đối tượng đăng ký bảo hộ sẽ cần trải qua những bước kiểm duyệt, thẩm định khác nhau để cấp văn bằng bảo hộ phù hợp. Bạn có thể tìm hiểu thêm những phương thức bảo hộ tên thương mại, cũng như những đối tượng sở hữu trí tuệ khác thông qua những bài viết của chúng tôi trên trang https://startuphouse.vn.
STARTUP HOUSE
Email: phu.ngo@startuphouse.vn