Thành lập doanh nghiệp quảng cáo là xu hướng phát triển chung của rất nhiều nhà đầu tư, nhằm đánh mạnh vào thị trường dịch vụ xúc tiến thương mại. Hoạt động quảng cáo là một trong các hoạt động kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Để thành lập doanh nghiệp cung ứng loại hình dịch vụ này, bạn cần lưu ý các vấn đề cơ bản được chia sẻ trong nội dung bài viết dưới đây.
Hoạt động quảng cáo là hoạt động như thế nào?
Hoạt động quảng cáo là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại được pháp luật cho phép. Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo 2018:
“Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.”
Điều kiện đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ quảng cáo
Hiện tại, việc kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã và đang là loại hình kinh doanh được ưa chuộng và mang lại nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, để có thể thành lập doanh nghiệp quảng cáo và hoạt động tại lĩnh vực này, người kinh doanh cần lưu ý luôn đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện về quảng cáo theo quy định hướng dẫn tại Điều 20 Luật Quảng cáo 2018 bao gồm:
Thứ nhất, phải là doanh nghiệp được thành lập theo đúng quy định pháp luật doanh nghiệp hiện hành, có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thứ hai, phải đảm bảo sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sử dụng quảng cáo
Thứ ba, quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.
Thứ tư, tuân thủ điều kiện quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.
Thành lập doanh nghiệp quảng cáo như thế nào?
Bạn có thể thành lập doanh nghiệp quảng cáo dưới một trong những loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện hành như: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty hợp danh, Công ty cổ phần. Dù thành lập dưới loại hình nào, bạn cũng cần thực hiện hồ sơ để nộp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền.
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
Thành phần hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tùy thuộc vào loại hình sẽ được pháp luật hướng dẫn chi tiết. Về cơ bản, bạn sẽ phải chuẩn bị các loại tài liệu bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên, cổ đông
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp, thành viên, cổ đông
- Bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư
Thời hạn xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
Hồ sơ cần được nộp đến phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, trong thời hạn 03 ngày làm việc phòng đăng ký kinh doanh sẽ phải xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Trên đây là các thông tin cơ bản cho hoạt động thành lập doanh nghiệp quảng cáo theo quy định của pháp luật hiện hành. Để có thể hiểu rõ hơn về các vấn đề pháp lý đối với hoạt động này, bạn có thể tham khảo tại các bài viết khác trên trang https://startuphouse.vn. Trường hợp cần được hỗ trợ tư vấn chi tiết pháp lý doanh nghiệp, bạn có thể trao đổi với các luật sư của chúng tôi thông qua các phương thức liên hệ dưới đây.
STARTUP HOUSE
Email: phu.ngo@startuphouse.vn