Thành lập doanh nghiệp cổ phần hay chính xác hơn là thành lập công ty cổ phần, đây là một trong những thủ tục đăng ký doanh nghiệp quan trọng được pháp luật quy định và hướng dẫn cụ thể. Thành lập công ty cổ phần yêu cầu chủ thể thực hiện cần đáp ứng được các điều kiện về loại hình doanh nghiệp cũng như một số quy định pháp lý liên quan khác.
Tìm hiểu về các đặc điểm của công ty cổ phần
Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp với ưu điểm nổi trội về huy động vốn đầu tư. Loại hình doanh nghiệp này được quy định tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 với các đặc điểm sau:
- Là doanh nghiệp có vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần
- Cổ đông sở hữu cổ phần có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa
- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp
- Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác
- Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân, đồng thời được quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
Thành lập doanh nghiệp cổ phần thực hiện như thế nào?
Thủ tục thành lập doanh nghiệp cổ phần được thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Cụ thể, bạn phải nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp đến phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế Hoạch – Đầu Tư tại địa phương đặt trụ sở công ty của mình.
Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập công ty cổ phần
Hồ sơ để đăng ký công ty cổ phần được hướng dẫn tại Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm:
“1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ công ty.
3. Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
4. Bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;
b) Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.”
Thời hạn xử lý hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Cơ quan đăng ký kinh doanh sau khi tiếp nhận hồ sơ và xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký, sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho bạn trong thời gian 03 ngày. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Những điều lưu ý sau khi thành lập doanh nghiệp cổ phần
Sau khi thành lập doanh nghiệp cổ phần, bạn cần lưu ý tổ chức quản lý doanh nghiệp của mình theo đúng cơ cấu mà pháp luật đã quy định rõ. Theo hướng dẫn tại Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020:
“1. Trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.
2. Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.”
Để có thể tổ chức, thành lập doanh nghiệp cổ phần nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm nhất; bạn có thể tham khảo thêm những thông tin pháp lý liên quan tại các bài viết hướng dẫn của chúng tôi trên trang https://startuphouse.vn. Hoặc trực tiếp liên hệ với các luật sư chuyên môn thông qua các phương thức dưới đây.
STARTUP HOUSE
Email: phu.ngo@startuphouse.vn